Carlos Slim: Từ cậu bé bán snack đến giàu nhất hành tinh
(Toquoc) – Carlos Slim có máu kinh doanh từ nhỏ. 10 tuổi, Slim kiếm tiền bằng bán, trao đổi thỏi kẹo hay gói snack. Đến nay, tập đoàn của ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực: siêu thị, mạng di động, khách sạn, nhà hàng, giàn khoan dầu lửa, xây dựng và cả ngân hàng. Thực tế là khó ai đó trải qua một ngày ở Mexico mà không “đóng góp” tiền bạc cho Carlos Slim!
Tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2010. Theo đó, ngôi vương năm nay thuộc về tỷ phú truyền thông Mexico Carlos Slim. Đây là lần đầu tiên trong 16 năm có một người bên ngoài biên giới Mỹ đứng đầu danh sách này của Forbes. Mỹ vẫn dẫn đầu với 403 tỷ phú, số tỷ phú tại châu Á tăng ngoạn mục.
Những người giàu nhất thế giới năm 2010
Số lượng tỷ phú trong năm 2010 tăng lên mức 1.011 từ mức 793 của năm 2009, con số này dù vậy vẫn thấp hơn con số 1.125 của năm 2008. Tổng tài sản của nhóm 1.011 người này lên mức 3,6 nghìn tỷ USD từ mức 2,4 nghìn tỷ USD của năm 2009.
Bản danh sách của Forbes bao gồm tỷ phú từ 55 quốc gia. Mỹ tiếp tục đứng đầu với 403 tỷ phú, con số của năm 2009 là 359. Châu Âu có 248 tỷ phú. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 234 tỷ phú, con số này năm 2009 mới chỉ là 130.
Ông Steve Forbes, tổng biên tập tạp chí Forbes, nhận xét: “Sự bùng nổ trên toàn cầu mà chúng ta đã chứng kiến từ thập niên 1980, đặc biệt từ khi bức tường Berlin sụp đổ, đã chững lại trong năm 2007, tuy nhiên sự bùng nổ đó đang quay trở lại. Châu Á và một số khu vực khác đi lên trong khi Mỹ và châu Âu dường như đang chững lại”.
Thiên bẩm kinh doanh
Người giàu nhất thế giới năm 2010, tỷ phú Carlos Slim Helú, có tổng giá trị tài sản lên tới 53,5 tỉ USD.
Slim "máu" buôn bán từ nhỏ. Cậu nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm tiền. Các thành viên của gia đình nhớ lại chuyện cậu đã bán lại cho các anh trai khi cái kẹo, lúc thỏi socola hay gói snack mà cậu dành dụm chưa ăn. Rồi cậu mua bán lại đồ chơi, đồ dùng với lũ bạn, bằng tuổi cậu cũng có mà lớn hơn cậu cũng không hiếm gì.
Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, Carlos Slim đã có 5.523 peso và mua được 44 cổ phiếu của ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, cậu đã có 31.900,26 peso. Cậu tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với những con số và có thể nhớ chúng cực kì chính xác .
Trong một lần họp đại hội cổ đông, Carlos Slim Helu, khi ấy hãy còn là một anh chàng trẻ tuổi đang sở hữu một số lượng rất nhỏ cổ phần, đã làm mọi người ngẩn người vì thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán một cách chính xác đến tận con số... phần nghìn.
Vượt mặt người Mỹ
Hơn một nửa thế kỷ sau đó, ở tuổi 70, Slim đã có trong tay khối tài sản 53,5 tỷ USD, vượt tỷ phú Bill Gates của Mỹ để trở thành người giàu nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú này, tập đoàn Slim là một “đế chế” kinh doanh trải rộng, từ những chuỗi siêu thị nổi tiếng nhất ở Mexico, mạng di động lớn nhất ở nước này, tới các khách sạn, nhà hàng, giàn khoan dầu lửa, các công ty xây dựng và cả một nhà băng tầm cỡ.
Thậm chí có tính toán cho thấy, thật khó ai đó trải qua một ngày ở Mexico mà không “đóng góp” tiền bạc cho Carlos Slim! Bên ngoài biên giới của quốc gia Nam Mỹ này, Slim còn nắm giữ cổ phần trong những tên tuổi lớn như hãng bán lẻ Saks và tờ báo New York Times nổi tiếng của Mỹ.
Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động chính của Slim được xác định khi vào năm 1990, ông cùng một số đối tác mua lại công ty điện thoại quốc doanh Telmex đang dở sống dở chết với giá 1,7 tỷ USD. Sau khi biến Telmex thành một cỗ máy in tiền, ông tách ra một công ty có tên America Movil và mạnh tay phát triển công ty này thông qua các vụ mua lại. Hiện nay, America Movil là nhà mạng không dây lớn thứ tư trên thế giới.
Trùm truyền thông Mexico Carlos Slim, người giàu nhất hành tinh 2010
Nhiều người chỉ trích rằng, Slim đã xây dựng khối tài sản của ông bằng sự độc quyền, nhưng tỷ phú này có một triết lý khá đơn giản về việc kiếm tiền. “Sự giàu có cũng giốn như một vườn cây ăn trái. Với vườn cây đó, việc cần làm là làm nó lớn lên, tái đầu tư để làm nó rộng ra, hoặc mở rộng ra các lĩnh vực khác”, Slim phát biểu năm 2007.
Tỷ phú nghiện xì gà này được mệnh danh là “vua Midas”, vì hễ ông mua công ty gặp khó nào thì công ty đó đều trở thành một cỗ máy in tiền.
Năm 2008, Slim mua một lượng chứng quyền (quyền cho phép người sở hữu nó được mua một lượng cổ phiếu xác định, với một mức giá xác định, trong một thời hạn nhất định) của tập đoàn truyền thông New York Times với giá 250 triệu USD khi giá cổ phiếu của tập đoàn sụt giảm. Tới thời điểm hiện nay, số tiền lãi mà Slim thu về từ thương vụ này đã lên tới 80 triệu USD, đồng thời ông có thể nắm giữ tới 16% cổ phần trong tập đoàn này, dù ông tuyên bố không quan tâm tới việc trở thành một ông trùm truyền thông ở Mỹ.
Slim đã được cha thân sinh là Julian Slim Haddad, một người Lebannon nhập cư vào Mexico hồi đầu những năm 1900, truyền cho những bài học kinh doanh đầu tiên. Khi đặt chân tới Mexico, Slim Haddad đã mở một hiệu bách hóa mang tên Star of the Orient và mua bất động sản giá rẻ trong thời gian diễn ra cách mạng Mexico.
Vào năm 1987, khi giá cổ phiếu ở Mexico lao dốc chóng mặt vì tác động của khủng hoảng, Slim đã nhận thấy cơ hội lớn giữa lúc các nhà đầu tư khác lo sợ. Ông đã tranh thủ gom mua cổ phiếu giá rẻ và bán ra để thu lời khi thị trường hồi phục.
“Chúng tôi biết rằng các cuộc khủng hoảng luôn chỉ là vấn đề tạm thời và chẳng có sự cố nào kéo dài cả trăm năm. Cơ hội luôn luôn có. Khi xảy ra khủng hoảng, sự điều chỉnh sẽ được kéo theo, người ta thường phản ứng thái quá, khiến giá cả của các mặt hàng giảm dưới giá trị thực”, Slim từng nói.
Tài sản khổng lồ của Slim khiến người ta không thể hình dung ra lối sống tiết kiệm của ông. Người giàu nhất thế giới này đã sống trong một ngôi nhà duy nhất trong suốt 40 năm qua và lái một chiếc Mercedes Benz cũ kỹ, dù đây là một chiếc xe chống đạn và luôn có các vệ sĩ đi kèm. Ông cũng không sở hữu máy bay riêng, du thuyền hay những tài sản xa xỉ khác như giới thượng lưu ở Mexico thường có.
Tỷ phú 70 tuổi này đã nhường quyền lãnh đạo công ty thường ngày cho ba con trai của ông và những phụ tá thân cận. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại các sự kiện truyền thông, ông vẫn là người đứng đầu của America Movil.
Slim cũng là một tỷ phú tham gia khá tích cực vào cuộc chiến chống đói nghèo, thất học và cải thiện chăm sóc y tế cho người dân ở khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ tuyên bố sẽ cống hiến phần lớn tài sản của mình cho hoạt động từ thiện như các tỷ phú Bill Gates hay Warren Buffett.
Slim cho rằng, các doanh nhân có thể giúp người khác bằng cách tạo ra việc làm và tài sản bằng con đường đầu tư hơn là “trở thành những ông già Noel”.
Ảnh hưởng tới chính trường
Quan hệ chính trường cũng là yếu tố giúp Slim thuận lợi trong làm ăn. Nhiều người tin rằng cú đột phá lớn nhất với Slim là sự thăng tiến quyền lực năm 1988 của Tổng thống Carlos Salinas, người từng tốt nghiệp Đại học Harvard và có khuynh hướng kỹ trị nhằm hiện đại hóa đất nước. Hai người từng thiết lập quan hệ bằng hữu giữa thập niên 1980. Thời Salinas, hàng trăm công ty nhà nước được tư nhân hóa trong đó có Telmex năm 1990. Tiến trình tư nhân hóa không chỉ có lợi riêng với Carlos Slim mà với doanh nghiệp Mexico nói chung. Năm 1991, Mexico chỉ có 2 tỉ phú lọt vào danh sách Forbes; đến trước năm 1994, giai đoạn cuối nhiệm kỳ Salinas, danh sách trên có 24 người và người giàu nhất là Slim. Và trong khi Mỹ phá thế độc quyền nhà nước bằng cách chia nhỏ và biến thành những công ty tư cạnh tranh với nhau, Mexico lại bê nguyên bản độc quyền nhà nước thành độc quyền tư nhân. Đó là lý do Telmex được hưởng ưu tiên trong kinh doanh điện thoại. Năm 1995, công ty điện thoại đường dài Avantel chi khoảng 1 tỉ USD để xây dựng mạng mới nhưng sau đó bắt đầu gặp khó khăn khi kết nối với hệ thống của Telmex. Một năm sau, sau nhiều thương lượng, Telmex bắt đầu mở cổng kết nối cho Avantel nhưng Avantel phải trả 0.7 USD cho mỗi USD mà họ kiếm được cho tập đoàn của Slim! Khi Avantel "rủ" Telmex ra tòa với tội độc quyền, tập đoàn của Slim phản ứng bằng cách yêu cầu tòa ra trái bắt Luis Mancera (luật sư hàng đầu Mexico làm cho Avantel)! Cuối cùng, năm 2001, Avantel mếu máo vỡ nợ và hầu hết tài sản công ty Slim đã mua lại rồi bán kiếm lời...
Một lần nữa, quan hệ chính trường đã đem lại thuận lợi cho Telmex. Khi đắc cử Tổng thống năm 2000, Vicente Fox đã chọn viên chức Telmex, Pedro Cerisola, vào ghế bộ trưởng thông tin-giao thông. Quan hệ chính trị cũng giúp Slim dễ mở rộng thị trường. Hãng điện thoại di động América Móvil của ông hiện có 124 triệu khách hàng, hoạt động tại hơn 12 nước Mỹ Latin. Trong nước, Slim tập trung vào công nghiệp dựa vào hợp đồng chính phủ. Công ty xây dựng mới thành lập của ông, Ideal SAB, hiện đấu thầu xây dựng vài trong số công trình xa lộ lớn nhất Mexico. Công ty dịch vụ dầu khí của ông hiện đang xây dàn khoan lớn nhất Mexico. “Lãnh địa” Carlos Slim tại Mexico rộng đến mức công ty nước ngoài không thể làm ăn nếu phớt lờ Slim. Năm 2005, công ty hỏa xa Union Pacific (Mỹ) cùng Hutchison Port Holdings (nhà đầu tư cầu cảng hàng đầu thế giới, quản lý 5 trong 7 cảng container lớn nhất thế giới, xử lý 13% lưu lượng container thế giới; thuộc tập đoàn Hutchison Whampoa, Hongkong) cùng hợp tác đấu thầu công trình 6 tỉ USD xây cảng và hỏa xa tại Baja California (bang cực Bắc Mexico). Tuy nhiên, dự án bất thành, khi Slim thuyết phục thống đốc Baja California không giao công trình cho công ty nước ngoài.
Giàu có và nổi tiếng nhưng Carlos Slim không hãnh tiến và khoe khoang, ngược lại, ông sống giản dị quá mức bình thường. Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, lắm khi quên cả ăn. Các nhân viên thuật lại rằng đôi lúc, họ có cảm giác Carlos Slim chỉ sống bằng những điếu xì gà luôn đỏ lửa trên môi./.
Nhoxga (tổng hợp)
(Toquoc) – Carlos Slim có máu kinh doanh từ nhỏ. 10 tuổi, Slim kiếm tiền bằng bán, trao đổi thỏi kẹo hay gói snack. Đến nay, tập đoàn của ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực: siêu thị, mạng di động, khách sạn, nhà hàng, giàn khoan dầu lửa, xây dựng và cả ngân hàng. Thực tế là khó ai đó trải qua một ngày ở Mexico mà không “đóng góp” tiền bạc cho Carlos Slim!
Tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2010. Theo đó, ngôi vương năm nay thuộc về tỷ phú truyền thông Mexico Carlos Slim. Đây là lần đầu tiên trong 16 năm có một người bên ngoài biên giới Mỹ đứng đầu danh sách này của Forbes. Mỹ vẫn dẫn đầu với 403 tỷ phú, số tỷ phú tại châu Á tăng ngoạn mục.
Những người giàu nhất thế giới năm 2010
Số lượng tỷ phú trong năm 2010 tăng lên mức 1.011 từ mức 793 của năm 2009, con số này dù vậy vẫn thấp hơn con số 1.125 của năm 2008. Tổng tài sản của nhóm 1.011 người này lên mức 3,6 nghìn tỷ USD từ mức 2,4 nghìn tỷ USD của năm 2009.
Bản danh sách của Forbes bao gồm tỷ phú từ 55 quốc gia. Mỹ tiếp tục đứng đầu với 403 tỷ phú, con số của năm 2009 là 359. Châu Âu có 248 tỷ phú. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 234 tỷ phú, con số này năm 2009 mới chỉ là 130.
Ông Steve Forbes, tổng biên tập tạp chí Forbes, nhận xét: “Sự bùng nổ trên toàn cầu mà chúng ta đã chứng kiến từ thập niên 1980, đặc biệt từ khi bức tường Berlin sụp đổ, đã chững lại trong năm 2007, tuy nhiên sự bùng nổ đó đang quay trở lại. Châu Á và một số khu vực khác đi lên trong khi Mỹ và châu Âu dường như đang chững lại”.
Thiên bẩm kinh doanh
Người giàu nhất thế giới năm 2010, tỷ phú Carlos Slim Helú, có tổng giá trị tài sản lên tới 53,5 tỉ USD.
Slim "máu" buôn bán từ nhỏ. Cậu nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm tiền. Các thành viên của gia đình nhớ lại chuyện cậu đã bán lại cho các anh trai khi cái kẹo, lúc thỏi socola hay gói snack mà cậu dành dụm chưa ăn. Rồi cậu mua bán lại đồ chơi, đồ dùng với lũ bạn, bằng tuổi cậu cũng có mà lớn hơn cậu cũng không hiếm gì.
Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, Carlos Slim đã có 5.523 peso và mua được 44 cổ phiếu của ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, cậu đã có 31.900,26 peso. Cậu tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với những con số và có thể nhớ chúng cực kì chính xác .
Trong một lần họp đại hội cổ đông, Carlos Slim Helu, khi ấy hãy còn là một anh chàng trẻ tuổi đang sở hữu một số lượng rất nhỏ cổ phần, đã làm mọi người ngẩn người vì thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán một cách chính xác đến tận con số... phần nghìn.
Vượt mặt người Mỹ
Hơn một nửa thế kỷ sau đó, ở tuổi 70, Slim đã có trong tay khối tài sản 53,5 tỷ USD, vượt tỷ phú Bill Gates của Mỹ để trở thành người giàu nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú này, tập đoàn Slim là một “đế chế” kinh doanh trải rộng, từ những chuỗi siêu thị nổi tiếng nhất ở Mexico, mạng di động lớn nhất ở nước này, tới các khách sạn, nhà hàng, giàn khoan dầu lửa, các công ty xây dựng và cả một nhà băng tầm cỡ.
Thậm chí có tính toán cho thấy, thật khó ai đó trải qua một ngày ở Mexico mà không “đóng góp” tiền bạc cho Carlos Slim! Bên ngoài biên giới của quốc gia Nam Mỹ này, Slim còn nắm giữ cổ phần trong những tên tuổi lớn như hãng bán lẻ Saks và tờ báo New York Times nổi tiếng của Mỹ.
Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động chính của Slim được xác định khi vào năm 1990, ông cùng một số đối tác mua lại công ty điện thoại quốc doanh Telmex đang dở sống dở chết với giá 1,7 tỷ USD. Sau khi biến Telmex thành một cỗ máy in tiền, ông tách ra một công ty có tên America Movil và mạnh tay phát triển công ty này thông qua các vụ mua lại. Hiện nay, America Movil là nhà mạng không dây lớn thứ tư trên thế giới.
Trùm truyền thông Mexico Carlos Slim, người giàu nhất hành tinh 2010
Nhiều người chỉ trích rằng, Slim đã xây dựng khối tài sản của ông bằng sự độc quyền, nhưng tỷ phú này có một triết lý khá đơn giản về việc kiếm tiền. “Sự giàu có cũng giốn như một vườn cây ăn trái. Với vườn cây đó, việc cần làm là làm nó lớn lên, tái đầu tư để làm nó rộng ra, hoặc mở rộng ra các lĩnh vực khác”, Slim phát biểu năm 2007.
Tỷ phú nghiện xì gà này được mệnh danh là “vua Midas”, vì hễ ông mua công ty gặp khó nào thì công ty đó đều trở thành một cỗ máy in tiền.
Năm 2008, Slim mua một lượng chứng quyền (quyền cho phép người sở hữu nó được mua một lượng cổ phiếu xác định, với một mức giá xác định, trong một thời hạn nhất định) của tập đoàn truyền thông New York Times với giá 250 triệu USD khi giá cổ phiếu của tập đoàn sụt giảm. Tới thời điểm hiện nay, số tiền lãi mà Slim thu về từ thương vụ này đã lên tới 80 triệu USD, đồng thời ông có thể nắm giữ tới 16% cổ phần trong tập đoàn này, dù ông tuyên bố không quan tâm tới việc trở thành một ông trùm truyền thông ở Mỹ.
Slim đã được cha thân sinh là Julian Slim Haddad, một người Lebannon nhập cư vào Mexico hồi đầu những năm 1900, truyền cho những bài học kinh doanh đầu tiên. Khi đặt chân tới Mexico, Slim Haddad đã mở một hiệu bách hóa mang tên Star of the Orient và mua bất động sản giá rẻ trong thời gian diễn ra cách mạng Mexico.
Vào năm 1987, khi giá cổ phiếu ở Mexico lao dốc chóng mặt vì tác động của khủng hoảng, Slim đã nhận thấy cơ hội lớn giữa lúc các nhà đầu tư khác lo sợ. Ông đã tranh thủ gom mua cổ phiếu giá rẻ và bán ra để thu lời khi thị trường hồi phục.
“Chúng tôi biết rằng các cuộc khủng hoảng luôn chỉ là vấn đề tạm thời và chẳng có sự cố nào kéo dài cả trăm năm. Cơ hội luôn luôn có. Khi xảy ra khủng hoảng, sự điều chỉnh sẽ được kéo theo, người ta thường phản ứng thái quá, khiến giá cả của các mặt hàng giảm dưới giá trị thực”, Slim từng nói.
Tài sản khổng lồ của Slim khiến người ta không thể hình dung ra lối sống tiết kiệm của ông. Người giàu nhất thế giới này đã sống trong một ngôi nhà duy nhất trong suốt 40 năm qua và lái một chiếc Mercedes Benz cũ kỹ, dù đây là một chiếc xe chống đạn và luôn có các vệ sĩ đi kèm. Ông cũng không sở hữu máy bay riêng, du thuyền hay những tài sản xa xỉ khác như giới thượng lưu ở Mexico thường có.
Tỷ phú 70 tuổi này đã nhường quyền lãnh đạo công ty thường ngày cho ba con trai của ông và những phụ tá thân cận. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại các sự kiện truyền thông, ông vẫn là người đứng đầu của America Movil.
Slim cũng là một tỷ phú tham gia khá tích cực vào cuộc chiến chống đói nghèo, thất học và cải thiện chăm sóc y tế cho người dân ở khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ tuyên bố sẽ cống hiến phần lớn tài sản của mình cho hoạt động từ thiện như các tỷ phú Bill Gates hay Warren Buffett.
Slim cho rằng, các doanh nhân có thể giúp người khác bằng cách tạo ra việc làm và tài sản bằng con đường đầu tư hơn là “trở thành những ông già Noel”.
Ảnh hưởng tới chính trường
Quan hệ chính trường cũng là yếu tố giúp Slim thuận lợi trong làm ăn. Nhiều người tin rằng cú đột phá lớn nhất với Slim là sự thăng tiến quyền lực năm 1988 của Tổng thống Carlos Salinas, người từng tốt nghiệp Đại học Harvard và có khuynh hướng kỹ trị nhằm hiện đại hóa đất nước. Hai người từng thiết lập quan hệ bằng hữu giữa thập niên 1980. Thời Salinas, hàng trăm công ty nhà nước được tư nhân hóa trong đó có Telmex năm 1990. Tiến trình tư nhân hóa không chỉ có lợi riêng với Carlos Slim mà với doanh nghiệp Mexico nói chung. Năm 1991, Mexico chỉ có 2 tỉ phú lọt vào danh sách Forbes; đến trước năm 1994, giai đoạn cuối nhiệm kỳ Salinas, danh sách trên có 24 người và người giàu nhất là Slim. Và trong khi Mỹ phá thế độc quyền nhà nước bằng cách chia nhỏ và biến thành những công ty tư cạnh tranh với nhau, Mexico lại bê nguyên bản độc quyền nhà nước thành độc quyền tư nhân. Đó là lý do Telmex được hưởng ưu tiên trong kinh doanh điện thoại. Năm 1995, công ty điện thoại đường dài Avantel chi khoảng 1 tỉ USD để xây dựng mạng mới nhưng sau đó bắt đầu gặp khó khăn khi kết nối với hệ thống của Telmex. Một năm sau, sau nhiều thương lượng, Telmex bắt đầu mở cổng kết nối cho Avantel nhưng Avantel phải trả 0.7 USD cho mỗi USD mà họ kiếm được cho tập đoàn của Slim! Khi Avantel "rủ" Telmex ra tòa với tội độc quyền, tập đoàn của Slim phản ứng bằng cách yêu cầu tòa ra trái bắt Luis Mancera (luật sư hàng đầu Mexico làm cho Avantel)! Cuối cùng, năm 2001, Avantel mếu máo vỡ nợ và hầu hết tài sản công ty Slim đã mua lại rồi bán kiếm lời...
Một lần nữa, quan hệ chính trường đã đem lại thuận lợi cho Telmex. Khi đắc cử Tổng thống năm 2000, Vicente Fox đã chọn viên chức Telmex, Pedro Cerisola, vào ghế bộ trưởng thông tin-giao thông. Quan hệ chính trị cũng giúp Slim dễ mở rộng thị trường. Hãng điện thoại di động América Móvil của ông hiện có 124 triệu khách hàng, hoạt động tại hơn 12 nước Mỹ Latin. Trong nước, Slim tập trung vào công nghiệp dựa vào hợp đồng chính phủ. Công ty xây dựng mới thành lập của ông, Ideal SAB, hiện đấu thầu xây dựng vài trong số công trình xa lộ lớn nhất Mexico. Công ty dịch vụ dầu khí của ông hiện đang xây dàn khoan lớn nhất Mexico. “Lãnh địa” Carlos Slim tại Mexico rộng đến mức công ty nước ngoài không thể làm ăn nếu phớt lờ Slim. Năm 2005, công ty hỏa xa Union Pacific (Mỹ) cùng Hutchison Port Holdings (nhà đầu tư cầu cảng hàng đầu thế giới, quản lý 5 trong 7 cảng container lớn nhất thế giới, xử lý 13% lưu lượng container thế giới; thuộc tập đoàn Hutchison Whampoa, Hongkong) cùng hợp tác đấu thầu công trình 6 tỉ USD xây cảng và hỏa xa tại Baja California (bang cực Bắc Mexico). Tuy nhiên, dự án bất thành, khi Slim thuyết phục thống đốc Baja California không giao công trình cho công ty nước ngoài.
Giàu có và nổi tiếng nhưng Carlos Slim không hãnh tiến và khoe khoang, ngược lại, ông sống giản dị quá mức bình thường. Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, lắm khi quên cả ăn. Các nhân viên thuật lại rằng đôi lúc, họ có cảm giác Carlos Slim chỉ sống bằng những điếu xì gà luôn đỏ lửa trên môi./.
Nhoxga (tổng hợp)